Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Chiến_dịch_Smolensk_(1943)

Kết quả

Chiến dịch Smolensk là một chiến thắng quan trọng của Hồng quân Xô Viết và cũng là một thất bại nặng đối với quân đội phát xít Đức. Mặc dù kết quả giành được khá khiêm tốn khi so với các chiến dịch lớn diễn ra đồng thời và sau đó (Hồng quân chỉ tiến được 200-250 cây số[64]), chiến thắng tại Smolensk có tầm quan trọng lớn đối với Hồng quân vì:

  • 1) Hồng quân đã đẩy phát xít Đức ra xa khỏi thành phố thủ đô Moskva và thanh toán các bàn đạp quan trọng giúp người Đức tấn công thành phố. Mối đe dọa chiến lược đối với thủ đô Liên Xô - vốn là nỗi lo lớn nhất của Bộ Tổng tư lệnh tối cao STAVKA từ năm 1941 - cuối cùng đã được giải quyết.
  • 2) Các tuyến phòng thủ - mà quân Đức vốn dựa vào đấy để đứng chân - gần như đã bị Hồng quân phá tan. Một số phòng tuyến vẫn còn tồn tại sau chiến dịch Smolensk, nhưng rõ ràng là chúng cũng sẽ không tồn tại lâu. Sau chiến tranh, một bản tường trình viết bởi các tướng lĩnh Đức đã cho rằng:
Mặc dù sự kháng cự mãnh liệt của các binh lính và sĩ quan đã giúp cho quân Đức giữ được một chiến tuyến nối liền, nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa, với tình trạng tồi tệ của binh sĩ, việc thiếu hụt hoàn toàn các lực lượng dự bị, và việc các phòng tuyến của mỗi đơn vị bị buộc phải kéo dài ra đã ẩn giấu một nguy cơ rằng đợt tấn công lớn tiếp theo của Liên Xô sẽ khiến phòng tuyến chắp vá này - vốn được xây dựng nên với biết bao khó nhọc - sẽ sụp đổ tan tành.
  • 3) Và như đã nói trên, Chiến dịch Smolensk đã "trói chân" 45-55 sư đoàn Đức tại khu vực này, khiến họ không thể điều quân xuống phía Nam chi viện cho quân Đức vốn đang chịu sự tấn công dữ dội của Hồng quân trong Chiến dịch phản công Hạ Dnepr.
  • 4) Cuối cùng, mặt trận quân Đức tại chiến trường Xô-Đức không còn là một đường nối liền nữa, mà bị chia cắt bởi khu đầm lầy Pripyat rộng lớn và không-thể-vượt-qua. Cụm Tập đoàn quân Nam đã bị cắt rời khỏi các lực lượng Đức ở phía Bắc. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc điều quân Đức từ cánh Bắc xuống cánh Nam của mặt trận và ngược lại.[65]

Đánh giá

Quân đội Liên Xô

Không thể nói là Hồng quân đã thất bại trong giai đoạn đầu của chiến dịch Smolensk, nhưng những thành quả khiêm tốn của họ trong giai đoạn này khiến STAVKA không hài lòng. Các chỉ huy Hồng quân đã đưa ra nhiều lời giải thích cho việc này. Phó Tổng tham nưu trưởng quân đội Liên Xô, tướng A. I. Antonov báo cáo "Chúng tôi đã phải đối phó với các khu rừng rậm và đầm lầy cùng với sự kháng cự quyết liệt của quân địch, vốn được tăng viện liên tục bằng các sư đoàn đến từ vùng Bryansk"[66]. Trong hồi ký của mình, Nguyên soái Nikolai Nikolayevich Voronov, Ủy viên Đại bản doanh Bộ Tổng tư lệnh Tối cao Liên Xô đưa ra tám nguyên nhân chính dẫn tới tiến độ chậm chạp của Hồng quân trong giai đoạn này:[67]

1. Bộ Tổng Tư lệnh Tối cao Lục quân Đức Quốc xã OHK biết rõ về cuộc tấn công của Hồng quân và đã tích cực chuẩn bị.
2. Các phòng tuyến của quân Đức được xây dựng tốt đến mức khác thường, với những hỏa điểm được bố trí kỹ lưỡng cùng với hệ thống chiến hào, hàng rào kẽm gai và những bãi mìn.
3. Một số Sư đoàn bộ binh của Hồng quân không được huấn luyện tốt để tấn công các hệ thống phòng thủ nhiều tầng nhiều lớp như ở chiến dịch Smolensk; nhất là các sư đoàn dự bị với quá trì huấn luyện không phải lúc nào cũng được giám sát kỹ lưỡng.
4. Hồng quân không có đủ xe tăng để tấn công quân Đức, vì vậy các chỉ huy Hồng quân buộc phải dựa nhiều vào các đơn vị pháo binh, bộ binh và số pháo cối của bộ binh để phá vỡ các phòng tuyến của quân Đức. Đồng thời các đợt phản kích liên tục cùng những bãi mìn bố trí dày đặc khắp phòng tuyến của quân Đức đã làm chậm bước tiến của Hồng quân.
5. Các trung đoànsư đoàn Hồng quân không tương tác tốt với nhau. Các đợt tấn công nhiều khi bị dừng lại bất chợt, và nhiều trung đoàn có xu hướng né tránh chiến sự và dồn hết gánh nặng cho các đơn vị khác.
6. Một số chỉ huy Hồng quân đã mất tinh thần trước các đợt phản kích liên tục của quân Đức và điều này khiến hành động của họ trở nên thiếu chính xác và mất bình tĩnh, bất chấp quân số của họ lớn hơn quân số của phát xít Đức rất nhiều.
7. Các đơn vị bộ binh không tận dụng tốt các vũ khí các nhân của họ (ví dụ các loại súng máy hạng nặng và pháo cối xách tay) mà dựa dẫm quá nhiều vào pháo binh.
8. Việc chiến dịch Smolensk bị dời từ ngày 3 đến ngày 7 tháng 8 đã khiến quân Đức có thêm thời gian chuẩn bị.

Vì vậy, N. N. Voronov đã điều Tập đoàn quân xe tăng 4 đến Phương diện quân Bryansk là hướng đánh có lợi cho xe tăng hơn hướng Smolensk. Ông cũng điều Quân đoàn pháo binh 8 đến Phương diện quân Tây để làm lực lượng đột phá các tuyến phòng thủ của quân đội Đức Quốc xã.[68]

Sau những các giá khá cao phải trả tại Mặt trận Rzhev-Sychyovka-Vyazma năm 1942, quân đội Liên Xô đã rút ra được bài học về việc sử dụng các khí tài nặng trong đột phá các tuyến phòng thủ của quân đội Đức Quốc xã trên hướng Tây. Địa hình xen lẫn rừng rậm và đầm lầy trong khu vực Smolensk - Kalinin không cho phép sử dụng đội hình xe tăng tấn công dày đặc để đột phá trên một chiều sâu lớn như trên hướng Ukraina hoặc Byelorussia. Ở đây, mỗi bước tiến của xe tăng cần sử dụng nhân lực công binh gấp đôi so với các mặt trận miền Nam (trừ khu vực cửa sông giáp Biển Đen). Vì vậy, việc sử dụng đội hình xe tăng tấn công ở cấp quân đoàn là phù hợp. Bù lại cho mật độ xe tăng thưa thớt (nơi cao nhất không quá 24 chiếc/km chính diện) là mật độ pháo binh rất cao. Hỏa lực của 150 đến 180 nòng pháo/km chính diện (chưa kể hỏa tiễn Katyusha) bảo đảm để hủy diệt phần lớn các tuyến phòng thủ của quân đội Đức Quốc xã với chiều sâu hàng chục km. Tuy nhiên, việc sử dụng hạn chế xe tăng đã dẫn đến tốc độ tấn công của các phương diện quân Liên Xô trên hướng Tây dần dần chậm lại vì việc cơ động pháo binh, đặc biệt là pháo binh hạng nặng khó khăn hơn cơ động xe tăng. Và đến giữa tháng 12 năm 1943, họ buộc phải tổ chức phòng thủ trên đường biên giới Nga - Belarus. Đà tấn công của Hồng quân bị chững lại vào cuối năm 1943 không nằm trong mong đợi của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô. Nhưng ít nhất trong thời gian này, chiến sự ở khu vực Smolensk đã trói chân 40% các lực lượng Đức tại Mặt trận Xô-Đức, khiến việc tác chiến của Hồng quân tại các chiến dịch trên hướng Kursk diễn ra thuận lợi hơn.[69] Bộ Tổng tư lệnh tối cao Stavka quyết định mở lại các đợt tấn công vào khu vực Smolensk vào ngày 21 tháng 8, nhưng sau đó họ dời thời gian này lại một chút để các đơn bị Hồng quân có thời gian nghỉ ngơi và bổ sung lực lượng.[70]

Giải thích cho tốc độ tấn công chạm chạp của ba Phương diện quân Liên Xô trên hướng Tây chỉ đạt từ 4,5 đến 6,5 km/ngày, nguyên soái N. N. Voronov cho rằng:

Phải nói thẳng rằng tư duy này là khá phổ biến, ngay cả trong số những chiến thắng quyết định trên mặt trận phía Nam. Chúng tôi không thể đồng ý với những người buộc tội chúng tôi rằng tốc độ tấn công trung bình thấp, rằng chúng tôi đã kéo dài thời gian tạm dừng chiến dịch. Họ quên mất một thực tế rằng nếu không có đủ xe tăng và máy bay, không tích lũy đủ đạn được, không tập trung đủ binh lực và phương tiện thì không thể nào tấn công liên tục theo kiểu "cứ thấy bở thì đào mãi" được
— N. N. Voronov, nguyên soái Tư lệnh pháo binh Liên Xô.[38].

Chiến dịch thu được thắng lợi có một phần đóng góp không nhỏ của các Tập đoàn quân không quân 1 và 3 (Liên Xô). Trong 2 tháng, các tập đoàn quân không quân này đã xuất kích 38.946 phi vụ, trung bình hơn 600 phi vụ một ngày. Trong đó có 7.379 phi vụ vận tải (19%); 6.615 phi vụ hộ tống máy bay ném bom và máy bay tấn công (17%); 11.789 phi vụ ném bom (30%), trong số có 8.961 phi vụ ném bom ban đêm (23%); 6.602 phi vụ tấn công mặt đất(17%); 2.279 phi vụ trinh sát và hỗ trợ pháo binh xạ kích (6%); 133 phi vụ vận tải hoàng hóa, vũ khí cho du kích (0,3%); 114 phi vụ rải truyền đơn (0,3%); 4.025 phi vụ liên lạc và làm nhiệm vụ đặc biệt (10,4%).[71] Quy mô hoạt động của không quân Liên Xô trong Chiến dịch Smolensk (1943) cao hơn cả Chiến dịch Stalingrad (14.000 phi vụ), Chiến dịch Kursk (9.000 phi vụ) và Chiến dịch Bagration (13.500 phi vụ).[72] Tiếp sức với không quân mặt trận, không quân ném tầm xa cũng dành hơn 1.500 phi vụ để yểm hộ trực tiếp hoặc gián tiếp cho chiến dịch.[17]

Bên cạnh lực lượng quân đội chính quy, Liên Xô còn có hàng trăm đội du kích hoạt động trên một địa bàn rộng lớn phía sau lưng các lực lượng Đức Quốc xã. Chính những đội du kích mà một số trong đó có quy mô đến cấp sư đoàn, trung đoàn đã tiến hành một cuộc "chiến tranh đường sắt" trên khắp phạm vi chiếm đóng của quân đội Đức Quốc xã. Cuộc chiến không quy ước này thực sự là một mặt trận mà không có trận tuyến rõ rệt. Nó đã gây những thiệt hại đáng kể cho quân đội Đức Quốc xã. Hàng vạn lính Đức thương vong, hàng trăm km đường sắt và cầu cống bị phá hủy, hàng chục nhà ga đầu mối bị tấn công, làm cho các tuyến tiếp tế, hậu cần đảm bảo của quân đội Đức Quốc xã bị gián đoạn, ảnh hưởng đáng kể đến sức chiến đấu của quân đội này.[73]

Quân đội Đức Quốc xã

Do kết quả của việc rút quân khỏi "chỗ lồi" Rzhev - Vyazma, mật độ phòng thủ của Cụm tập đoàn quân Trung tâm được tăng lên gần gấp đôi về binh lực và phương tiện. Quân Đức đã tổ chức tốt mạng lưới phòng thủ trên cả ba tuyến với nhiều lớp, buộc các phương diện quân Liên Xô phải bóc gỡ từng lớp, từng tuyến nên đã tranh thủ được thời gian để củng cố các lớp phòng thủ phía trong làm chậm dần đà tấn công của quân đội Liên Xô. Các lực lượng xe tăng được bố trí làm thê đội cơ động trong phòng ngự cũng gây nhiều khó khăn cho quân đội Liên Xô bằng các đòn phản kích mạnh.[74]

Tuy hình thành thế liên hoàn nhưng mạng lưới phòng thủ của Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) cũng bộc lộ một số điểm yếu. Đó là mâu thuẫn giữa phòng thủ cứ điểm và phòng thủ diện địa. Mặc dù các trung tâm phòng ngự được xây dựng rất kiên cố nhưng quân Đức không đủ binh lực để rải ra khống chế các con đường giao thông quan trọng nối liền các trung tâm phòng ngự, các cứ điểm quan trọng. Do vậy, khi một trung tâm phòng ngự hoặc một cứ điểm bị cắt đường giao thông với tuyến sau và với các trung tâm, cứ điểm khác, quân Đức phải mất thêm thời gian và tiêu hao binh lực vào việc khai thông các đường giao thông. Nhược điểm này được quân đội Liên Xô khai thác triệt để vào giai đoạn thứ hai và giai đoạn thứ ba của chiến dịch để thực hiện chíến thuật "vây thành, diệt viện", buộc quân Đức phải chịu mất dần từ trung tâm phòng ngự, từng cứ điểm, dẫn đến sự sụp đổ của một tuyến phòng thủ.[15]

Thất bại của quân Đức trong cuộc chiến chống chiến tranh du kích cũng dẫn đến những thất bại của quân Đức trên mặt trận. Sau nhiều cuộc tảo thanh năm 1942 và nửa đầu năm 1943, du kích Liên Xô không những vẫn tồn tại mà còn phát triển lên quy mô hàng chục sư đoàn trong các khu vực từ Nevel đến Bryansk, trên cả lãnh thổ Nga và lãnh thổ Belarus. Trong nửa sau năm 1943 trên khu vực phía Tây của Nga và Belarus đã có hàng trăm đoàn tàu chở hàng quân sự Đức bị du kích tấn công. Hàng trăm km đường ray, hàng chục nhà ga đầu mối bị phá hoại. Du kích Liên Xô còn mở các cuộc tấn công vào các sở chỉ huy, các kho hậu cần của quân Đức, gây nhiều thiệt hại. Quân Đức có thể tạm ổn định mặt trận khi quân đội Liên Xô ngừng tấn công nhưng không thể ổn định được hậu cứ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến 2 trong 3 tuyến phòng thủ của quân Đức trên hướng Smolensk sụp đổ sau hai tháng.[75]

Ảnh hưởng

Sau chiến dịch, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) chỉ còn giữ được tuyến phòng thủ cuối cùng từ Vitebsk qua Orsha, Mogilev, Bobruysk và bị đứt đoạn ở phía Đông đầm lầy Pripyat rộng lớn. Tuyến phòng thủ này làm thành một cung lồi nhô về phía Đông được gọi là cái "Ban công Byelorussia" chứa đựng nhiều nguy cơ bị tấn công từ hai bên sườn. Mất các khu vực Smolensk, Kalinin (nay là tỉnh Tver), Bryansk và Gomen, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đã không những phải hoàn toàn từ bỏ giấc mộng đánh chiếm Moskva mà còn phải lo đối phó với cuộc chiến đã tiến gần hơn đến biên giới phía Đông nước Đức Quốc xã.

Lần đầu tiên, Hồng quân Xô Viết đã tiến vào một khu vực bị phát xít Đức chiếm giữ suốt một thời gian dài và phát hiện ra những bằng chứng về tội ác chiến tranh gây ra do các lực lượng SS, Einsatzgruppen và các đơn vị quân đội phát xít Đức. Trong các vùng lãnh thổ được giải phóng trong chiến dịch Smolensk (đã bị quân Đức chiếm đóng suốt gần hai năm), các cơ sở kinh tế nông nghiệp và công nghiệp đã bị phá hủy sạch sẽ. Chính tại tỉnh Smolensk, gần 80% khu vực thành thị và 50% khu vực nông thôn đã bị phát xít Đức hủy diệt, cùng với vô số nhà máy, xí nghiệp.[6]

Sau chiến dịch Smolensk, phần Trung tâm của mặt trận Xô-Đức trở nên ổn định trong một thời gian dài cho đến tháng 6 năm 1944. Trong lúc đó, trọng tâm của chiến tranh chuyển về phía Nam, tại phòng tuyến sông Dnepr và khu vực lãnh thổ của Cộng hòa Xô Viết Xã hội chủ nghĩa Ukraina. Cho đến tháng 1 năm 1944, trọng tâm của chiến tranh lại chuyển lên phía cực Bắc của mặt trận, với việc Hồng quân thủ tiêu toàn bộ vòng vây của quân Đức tại Leningrad vốn đã tồn tại suốt 900 ngày. Sau đó, bằng chiến dịch Bagration (23 tháng 6 đến cuối tháng 7 năm 1944) Quân đội Liên Xô đã đánh tan Cụm Tập đoàn quân Trung tâm, quét sạch quân Đức khỏi Liên Xô và đưa chiến tranh vào lãnh thổ của Đức, Ba Lan.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_Smolensk_(1943) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1943W/... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1943W/... http://lwp.armiam.com/pictures/lenino1.JPG http://65letpobedy.ax3.net/3.html //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://bdsa.ru/index.php?option=com_easygallery&ac... http://militera.lib.ru/h/anischenkov_shurinov/03.h... http://militera.lib.ru/h/grossman/01.html http://militera.lib.ru/h/istomin/01.html http://militera.lib.ru/h/istomin/02.html